Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu, 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao.
Thông tin trên được PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tiết lộ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.
Học sinh cần học chắc kiến thức cơ bản
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó: Ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòn
GS.TS Huỳnh Văn Chương khẳng định, học sinh chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 là có thể đạt 75% điểm số của bài thi.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng làm một trong các phương thức xét tuyển. Thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập.
Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng để trong khoảng từ ngày 17–19/7 sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT để có thời gian thuận lợi nhất cho công tác tuyển sinh. Đây là thời gian hợp lý và thuận lợi nhất để học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2023 và hướng nghiệp.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, học sinh lớp 12 năm nay không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các em vẫn bị thiệt thòi ở lớp 10 và lớp 11. Do đó, đề thi sẽ bám vào hai năm cuối, đặc biệt lớp 12.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đợt và có sự đồng nhất về đánh giá nên kết quả đủ tin cậy để các trường đại học dùng xét tuyển. “Học sinh tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp vì qua nhiều năm cho thấy, kết quả kỳ thi này vẫn được sử dụng nhiều nhất để xét tuyển đại học” – PGS.TS Huỳnh Văn Chương.
Theo cô Trần Thị Xuân Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ), học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản để giành điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
“Thực tế, nhiều học sinh chủ quan trong học tập; thậm chí có em còn trông chờ vào “cầu may”, có học sinh còn suy nghĩ, không cần học cũng có thể làm được bài. Tuy nhiên, không có “học tài thi phận”. Tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của học sinh” – cô Hà nhấn mạnh.
Không để “nước đến chân mới nhảy”
Theo cô Hà, trong quá trình ôn tập, học sinh cần tránh: học tủ, học lệch, “nước đến chân mới nhảy”, đến gần ngày thi mới học hoặc chỉ học những bài trọng tâm, quan trọng, bỏ qua các bài cơ bản khác.
Các em cũng cần bỏ ngay quan niệm, chỉ cần học lý thuyết không cần rèn kỹ năng hoặc ngược lại. Tránh tư tưởng không cần học cũng làm được bài. Khi làm bài thi, cần tránh làm phức tạp hóa vấn đề, đọc vội dẫn đến bỏ sót chi tiết trong câu dẫn. Điều này có thể dẫn đến việc chọn đáp án sai, tô sai đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm.
Đồng quan điểm, cô Quảng Thị Kiệp – Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai) nêu thực trạng, một số học sinh thường chủ quan nên học lệch, học tủ. Nhiều em dành nhiều thời gian để học các môn thi có sử dụng kết quả thi xét đầu vào đại học. “Nếu thi cử mà các em trông chờ quá nhiều vào “cầu may” thì cũng có nguy cơ bị điểm liệt” – cô Kiệp cảnh báo.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phướng án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi. Về lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2025- 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030: Phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Về môn thi, hình thức thi: Tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Bộ GD&ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
Năm 2022, hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong khoảng 570.000 thí sinh trúng tuyển đại học, hơn một nửa (52,38%) dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển – tỷ lệ cao nhất trong hơn 20 phương thức tuyển sinh. |