Song song với việc học tập tại trường, du học sinh Việt Nam cũng phải học cách chi tiêu hợp lý để có một cuộc sống dễ thở nơi đất khách.
Với công việc phục vụ tại một nhà hàng, Đinh Thị Mỹ Hạnh (22 tuổi) – du học sinh tại trường Studienkolleg bei den Universitäten des Freistaates Bayern, Munich, Đức – hiện kiếm được khoảng 540 euro/tháng (khoảng 13 triệu đồng).
“Ngoài việc học thì tôi đang làm phục vụ cho một nhà hàng Việt Nam tại Đức. Ở đây, họ trả tôi mức lương 20 euro/giờ (khoảng 500 nghìn đồng). Song do tôi chỉ làm theo dạng “mini job” (nghĩa là một tháng làm rất ít) nên nếu chăm chỉ và có thời gian, mức lương chắc chắn sẽ cao hơn” – nữ sinh nói.
Theo Hạnh, với mức lương đó, những du học sinh như cô không phải quá đắn đo trong vấn đề chi tiêu hàng ngày. Chưa kể, với mỗi du học sinh nước ngoài đến Đức sẽ phải mở một tài khoản phong toả (tài khoản này được mở nhằm chứng minh sinh viên có đủ khả năng tài chính để chi trả cho việc học, chỗ ăn ở và sinh hoạt phí trong thời gian học tập ở Đức, khi mà sinh viên không có nguồn thu khác hay nguồn thu khác không đủ).
Với Hạnh, tài khoản phong toả của cô trị giá 11.000 euro (khoảng 280 triệu đồng) và khoản tiền đó do ba mẹ hỗ trợ trước khi sang Đức. Sau khi hoàn tất các thủ tục, giấy tờ, mỗi tháng Hạnh sẽ nhận về 861 euro (khoảng 22 triệu đồng) từ tài khoản này.
Mỹ Hạnh cho hay, trung bình 1 tháng cô phải trả 500 euro tiền thuê trọ (khoảng 12 triệu đồng), trong đó đã bao gồm cả tiền điện, nước. Để tiết kiệm, nữ sinh luôn tắt hết các thiết bị điện, máy sưởi không dùng khi ra ngoài.
Bên cạnh đó, Hạnh cũng trích ra một khoản cho những cuộc vui với bạn bè, trung bình 100 – 150 euro/tháng (từ 3 đến 4 triệu). Song khoản này lại không cố định do cô luôn hạn chế tối đa những cuộc vui không cần thiết.
Có thời gian rảnh, nữ sinh cũng tranh thủ đi mua sắm các đồ dùng cần thiết với mức chi khoảng 100 – 150 euro/tháng (từ 3 đến 4 triệu đồng). Đa số, cô thường mua nhiều vào thời điểm hàng hoá giảm giá sâu, những đợt flash sale (các đợt giảm giá chớp nhoáng với ưu đãi hấp dẫn) nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
Dù Hạnh được miễn học phí, nhưng mỗi kỳ (6 tháng), nhà trường sẽ thu một khoản từ 150 – 170 euro (khoảng 3,8 triệu đến 4,3 triệu đồng) phí bảo hiểm. Số tiền này nhà trường sẽ dùng để hỗ trợ chi phí đi lại cho sinh viên.
Còn Nguyễn Hồng Thảo (22 tuổi) – sinh viên ngành điều dưỡng tại đại học Niigata Iryou Fukushi Karejji, Nhật Bản – cho hay được nhà trường tìm giúp công việc bán thời gian tại các xưởng làm đồ ăn.
“Mức lương trung bình của mình hiện tại là 1.000 yên/giờ (gần 200 nghìn đồng). Song du học sinh sẽ bị giới hạn số giờ làm thêm” – Hồng Thảo nói.
Để giảm bớt chi phí, Hồng Thảo chọn sống trong ký túc xá. “1 tháng, tôi sẽ đóng 20.000 yên tiền phòng (khoảng hơn 3,5 triệu đồng), đã bao gồm điện, nước. Tiền học là 20.000 yên, tiền mạng internet, tiền bảo hiểm dao động khoảng 5.000 yên (hơn 900 nghìn đồng). Thêm nữa là tiền sinh hoạt phí tuỳ tháng nhưng trung bình khoảng 20.000 yên” – nữ sinh nói.
Với mức lương hiện tại và mức chi tiêu kể trên, Thảo cho rằng “tạm đủ” cho cuộc sống. Song cô chia sẻ đã phải hạn chế rất nhiều cuộc vui với bạn bè, những chuyến đi du lịch để giảm bớt chi phí phát sinh không đáng có. Trong tương lai, Thảo sẽ cố gắng phấn đấu để có được một khoản tiết kiệm.
Với Mỹ Hạnh, cô cho biết bản thân vẫn có những nỗi lo riêng cho tương lai.
“Ở Đức mỗi năm, sinh viên đều phải chứng minh tài chính – nghĩa là bản thân phải chứng minh khả năng tài chính đủ để duy trì cuộc sống và không ảnh hưởng đến việc học. Đó thực sự là bài toán khiến mình đau đầu” – Mỹ Hạnh chia sẻ.
Cho dù có những thuận lợi đặc biệt khi ra nước ngoài học tập và sinh sống, nhưng các bạn du học sinh Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, từ học tập đến công việc, cuộc sống. Song chính những thử thách đó sẽ giúp họ ngày một hoàn thiện và trưởng thành hơn.
Theo Lao động