Nhiều người tìm đến các công ty hỗ trợ, tư vấn du học để ước mơ du học thành hiện thực. Nhưng không ít người gặp cảnh “rối như canh hẹ” khi công ty chậm trễ trong thực hiện các cam kết đề ra.
Vậy có những kinh nghiệm nào khi lựa chọn dịch vụ từ các công ty, tránh rắc rối?
“Theo công ty mệt quá”
Chị Vũ Thùy An (tên nhân vật đã thay đổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết con trai muốn tìm học bổng tại trường ĐH ở Mỹ. Vì không rành thủ tục lựa chọn trường, xin học bổng, chị tìm đến một công ty hỗ trợ, tư vấn. Công ty cho biết sẽ hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện để giúp học viên này đạt kết quả cao các kỳ thi, đạt các điều kiện để xin học bổng, như bài thi SAT, thi IELTS. Công ty cũng đào tạo cho học viên khả năng viết bài luận, viết thư giới thiệu cho trường, phỏng vấn với đại diện trường, phỏng vấn xin visa và tư vấn danh sách trường phù hợp như phía gia đình đặt ra…
Tuy nhiên sau khi đóng tiền, chị Thùy An cho biết công ty không sát sao trong từng giai đoạn, không chủ động trong việc cập nhật tiến độ công việc cũng như danh sách các trường có học bổng như mong muốn của gia đình. “Sau một thời gian chờ đợi, giục giã, theo đuổi, chúng tôi mệt quá, xin ngừng hợp đồng. Công ty hoàn lại 40% tiền và hai mẹ con tìm một đơn vị tư vấn khác. Rất may là con vẫn kịp để đậu vào một trường tại Mỹ”, chị cho biết.
Không ít phụ huynh từng có lúc như chị Thùy An, khi không biết bắt đầu từ đâu trong việc làm hồ sơ, thủ tục xin học bổng du học cho con, chọn lựa công ty nào để đúng ngay từ đầu.
Nhận diện công ty uy tín
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Emma Ly (Lý Ngọc Điệp), Giám đốc vận hành các dự án nghiên cứu của ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH thương mại thuộc khối các trường ĐH và viện nghiên cứu trực thuộc ĐH Auckland (New Zealand), cho rằng một công ty tư vấn hỗ trợ du học uy tín, tin cậy thì thứ nhất cần có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và định hướng nghề nghiệp. Tiếp đó cần am hiểu về đất nước, con người, môi trường sống tại quốc gia du học; là đối tác của nhiều trường tại quốc gia du học; có nhiều dịch vụ để hỗ trợ và đồng hành cùng học sinh (HS) từ lúc nộp đơn cũng như trong quá trình ở nước ngoài.
Còn chị Thùy An chia sẻ kinh nghiệm: “Đơn vị tư vấn, hỗ trợ du học uy tín sẽ luôn sát sao trong từng giai đoạn một của con và luôn liên lạc với phụ huynh để thông báo tiến trình”.
“Trong trường hợp chọn dịch vụ ở công ty tư vấn có phí cao, phụ huynh nên đọc kỹ điều khoản hợp đồng, tốt nhất là nên đi cùng luật sư hay cùng người từng sử dụng dịch vụ tư vấn từ các công ty uy tín. Phụ huynh cũng nên có yêu cầu “nếu không như tư vấn ban đầu, không theo lộ trình rõ ràng báo cho phụ huynh thì phụ huynh có thể ngưng ngay hợp đồng và hoàn 100% chi phí”, chị Thùy An nói thêm.
Cẩn trọng với “tư vấn hoàn toàn miễn phí”
Tiến sĩ Emma Ly, cũng là cựu trưởng nhóm kinh tế cho dự án TP.HCM của AVSE Global và cố vấn về tài chính trong chuỗi cung ứng cho dự án phát triển Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho hay hiện cũng có công ty hỗ trợ cho HS, nhưng khó có thể nói là các công ty tư vấn du học này “hoàn toàn miễn phí”.
“Một số công ty tư vấn không thu phí trực tiếp từ du HS nhưng họ sẽ lấy phí giới thiệu từ các trường. Thực tế cho thấy một số công ty du học sẽ dựa vào mức phí giới thiệu từ các trường là cao hay thấp để định hướng cho HS nộp vào những trường có mức phí giới thiệu cao, mà chưa thực sự quan tâm đến định hướng học tập, định hướng nghề nghiệp, khả năng, sở thích của du HS. Do đó, phụ huynh và HS nên lựa chọn công ty tư vấn thực sự am hiểu về giáo dục để nhận được tư vấn phù hợp”, tiến sĩ Emma Ly khuyên.
Theo tiến sĩ Emma Ly, việc chi trả mức phí tư vấn sẽ không đáng bao nhiêu so với số tiền cho việc du học. Nhưng bù lại, việc chọn lựa công ty tư vấn đúng đắn sẽ giúp du HS tránh việc chọn trường, chọn chương trình học sai lầm, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc và quan trọng nhất là bỏ qua những cơ hội tốt hơn trong tương lai.
Kê khai thông tin đúng sự thật, đặc biệt về tài chính
Không ít phụ huynh, HS VN tự tìm hiểu thông tin và tự chuẩn bị hết hồ sơ du học, xin học bổng từ các trường. Trong trường hợp này nên chú ý điều gì?
Trần Phước Lâm Duy (đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh của VinUni, với học bổng toàn phần trị giá hơn 3,2 tỉ đồng), người tự làm hồ sơ và trúng tuyển vào 5 trường Aalto University, KU Leuven, City University of Hong Kong, Hong Kong Polytechnic University, Hong Kong Baptist University vào năm 2020, cho biết trước khi bắt tay tìm hiểu về học bổng hay du học, các HS nên tự hỏi vì sao mình muốn du học, để xem bản thân có đủ động lực không.
Điều Lâm Duy muốn nhấn mạnh là không phải mọi học bổng đều là toàn phần. Để du học, bạn bắt buộc phải trao đổi với cha mẹ “gia đình có thể chi trả bao nhiêu tiền mỗi năm để con đi học?”.
Theo Lâm Duy, HS cần tìm hiểu quốc gia, trường và học bổng. Nên chọn ngành trước, sau đó mới chọn trường và quốc gia. Khi chọn quốc gia và chọn trường, không nên chỉ chọn nơi mình thích mà phải tính toán kỹ được chi phí ăn ở, học phí, học bổng so với số tiền có thể chi trả.
“Kinh nghiệm của tôi là vào Google, tự nghiên cứu kỹ website chính thức của các trường trên bảng xếp hạng QS Ranking chứ không xem các bài tổng hợp sơ sài trên mạng xã hội”, Lâm Duy nói.
Kế đến là lên kế hoạch thực hiện. Mỗi HS phải có kế hoạch cụ thể về việc khi nào thì thi IELTS, thi SAT, viết bài luận và xin thư giới thiệu từ thầy cô.
“Không phải trường nào cũng yêu cầu hoạt động ngoại khóa hay SAT. Có trường yêu cầu bài luận hay hoạt động ngoại khóa, nhưng có trường lại không thực sự ưu tiên các yếu tố này bằng học thuật. HS nên liên hệ trực tiếp với các anh chị đang học tại trường để tìm hiểu”, bạn trẻ quê Lâm Đồng cho hay.
Trong khi đó, tiến sĩ Emma Ly cho rằng ngoài việc rèn tiếng Anh, HS khi tự chuẩn bị hồ sơ du học cũng cần chú ý khả năng học thuật, kỹ năng mềm. “Khi tự chuẩn bị hết hồ sơ du học, HS và phụ huynh phải kê khai thông tin đúng sự thật, minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt các thông tin về tài chính, nguồn gốc tiền để du học. Đó chính là những thông tin được Cục Di trú xem xét kỹ càng nhất”, tiến sĩ Emma Ly nhấn mạnh.
Theo Thanh niên