Không ít học sinh tuổi còn bé, chưa “chín” nhưng phải du học, gánh trên vai kỳ vọng “xuất khẩu” giáo dục từ gia đình
N.T. (20 tuổi) – hiện là sinh viên ĐH Houston, Texas (Mỹ) – cho biết cách đây tám năm, khi đang là học sinh lớp 7 tại một trường THCS tư thục thuộc quận 7 (TP.HCM), ba mẹ quyết định cho T. sang Mỹ du học. T. ở nhà bà con, theo học chuyển tiếp lớp 7 tại Trường W.C.S nằm ở thành phố Houston.
“Thúc chín”
“Mình không suy nghĩ nhiều, ba mẹ cho đi đâu thì đi đó, nhưng trong lòng thật sự muốn ở Việt Nam do đã quen bạn bè ở đây. Qua Mỹ được đúng tuần đầu tiên, mình sốc không muốn đi học nữa”, T. kể.
T. cho biết mặc dù trước khi du học, bạn được “cày ải” liên tục trong các trung tâm Anh ngữ. Trường học của T. cũng có những khóa tăng cường tiếng Anh. Nhưng đến nơi, T. không thể giao tiếp được với thầy cô, bạn bè. Trong các tiết học, T. tiếp thu khá ít bài vở.
Nhận thấy bất thường ở cậu học sinh mới, trường thông báo đến gia đình và cho T. vào các khóa tăng cường tiếng Anh bên cạnh chương trình chính khóa. Mỗi khóa kéo dài ba tháng, áp lực như nhân đôi với T.. “Thời gian ấy mình cảm thấy rất nặng nề. Mỗi ngày đến trường là một cực hình vì không hiểu bài cũng không thể chia sẻ cùng các bạn. Nhiều lần sau buổi học mình đã gọi điện về nhà khóc. Cuối cùng sau bốn tháng, ba mẹ mình phải cho mình về lại Việt Nam, chuyển sang một trường tư thục khác”, T. nói.
Đến nay đã trở lại Mỹ bắt đầu chặng đường du học mới, T. cho rằng sai lầm trước kia của gia đình là vì “thúc” bạn du học từ quá sớm trong khi bạn chưa chuẩn bị đầy đủ. T. ví bản thân khi đó như một trái cây bị thúc cho “chín non” để sớm “xuất khẩu”.
Cho con du học càng sớm càng tốt hiện được nhiều phụ huynh cân nhắc. Lợi ích lớn nhất mà nhiều cha mẹ thường truyền tai là con được phát triển sớm. TS Mai Viết Thủy – hiệu trưởng Trường cao đẳng UPC (Úc) – cho rằng những năm gần đây ông chứng kiến nhiều gia đình cho con sang Úc du học ở bậc… tiểu học. “Tôi từng chứng kiến không ít trường hợp học sinh stress và có những biểu hiện tâm lý bất thường vì áp lực học tập xa nhà từ nhỏ như thế”, thầy Thủy nói.
“4 sẵn sàng”
ThS Đinh Hoàng Hà nhiều năm qua là đại diện tuyển sinh cho Trường SSTC Singapore tại Việt Nam, thường tuyển những bạn độ tuổi từ 12 đến 16 có nguyện vọng thi vào các trường phổ thông công lập ở Singapore. Bản thân gia đình ông trước đây cũng đã từng định hướng cho hai con sang đảo quốc sư tử du học khi các con học cấp II tại Việt Nam. Thường được các phụ huynh “chất vấn” tuổi nào thì nên cho con đi du học, ông Hà đưa ra công thức “4 sẵn sàng”.
Theo ông Hà, “2 sẵn sàng” đầu tiên dành cho học sinh. Trước hết, học sinh cần “sẵn sàng” cho một cuộc sống độc lập. Sang xứ người có ở chung với người giám hộ hay với họ hàng, các bạn cũng cần có được tinh thần độc lập bởi bạn đã bước sang một trang hoàn toàn mới so với những ngày còn ở chung với ba mẹ. Ít nhất, học sinh ấy cần biết tự học, tự làm một số đầu việc từ những chuyện lặt vặt như nấu một hai món ăn tới giặt giũ quần áo, đến chuyện lớn hơn như biết cách xử lý nếu chẳng may cảm sốt.
Thứ hai là sự “sẵn sàng” hòa nhập. Ngoại ngữ của học sinh đã đủ cho môi trường 100% tiếng Anh hay chưa? Trong lớp, các bạn còn phải thích ứng phong cách học tập gần như khác hoàn toàn ở Việt Nam. Ngoài trường, bạn cần sớm quen một cộng đồng mới cùng các hệ thống pháp luật, văn hóa khác rất nhiều trong nước. Ở một số bạn còn nhỏ tuổi, hòa nhập vào muôn vàn sự khác biệt ấy là một thử thách không hề dễ dàng.
“Phụ huynh sẽ là người đo lường hai yếu tố “sẵn sàng” trên của con. Cha mẹ có thể cân nhắc cho con tham gia nhiều hoạt động hay một số khóa học kỹ năng tại Việt Nam để đánh giá xem liệu con có thể sớm “độc lập” và “hòa nhập” nếu được đặt vào môi trường du học hay không? Nếu thấy chưa đủ, không nên thúc ép con” – ông Hà nói.
Ông chia sẻ thêm “2 sẵn sàng” còn lại dành cho phụ huynh. Một là sẵn sàng về tài chính, phụ huynh sẽ lên lộ trình đi học cho con thế nào, trong bao lâu, tốn bao nhiêu tiền và chuẩn bị nguồn tiền đảm bảo thế nào? Hai là sẵn sàng cho một cuộc sống xa con. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại trở thành nỗi đau đầu của nhiều gia đình cho đến gần ngày con lên đường vẫn không tin tưởng con có thể sống một mình ở hải ngoại.
Đừng bị “mờ mắt” bởi bức tranh “màu hồng”
Đại diện một công ty tư vấn du học có trụ sở tại quận 3 (TP.HCM) cho rằng hiện nay vì áp lực doanh số, trong quá trình tư vấn, một số công ty thường có xu hướng khuyến khích các bạn du học sớm từ bậc phổ thông để sớm quen môi trường học mới hơn, giỏi tiếng Anh hơn. Tuy nhiên, họ thường không phân tích kỹ lưỡng yếu tố phù hợp của học sinh ấy. “Mỗi học sinh sẽ có một hướng phát triển khác nhau, vì vậy phụ huynh không nên hoàn toàn tin tưởng vào những bức tranh “màu hồng” có thể được một số đơn vị tư vấn vẽ ra. Nên tham khảo nhiều nguồn và đối chiếu với mức độ trưởng thành của con bạn để đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình” – vị này nói.
Chú ý đến tuổi dậy thì
Ông Nguyễn Phúc Bình – nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc – cho rằng một trong những “cột mốc” mà phụ huynh nên cân nhắc khi cho con du học sớm là tuổi dậy thì. Nhiều phụ huynh tinh tế, đợi con sau khi bước vào tuổi dậy thì, ổn định về các mặt tâm, sinh lý mới cho con đi du học. Ngược lại, một số phụ huynh cho con đi học trước tuổi dậy thì nhưng lại không có thời gian đủ để quan tâm con, hoặc không có người thân ở bên con, các bạn trẻ có thể có những biến đổi mà cha mẹ đôi khi ít ngờ tới. Một số bạn có thể sa vào những cuộc vui chơi, ảnh hưởng tới học hành. Thậm chí một số bạn có những biểu hiện tâm lý bất thường vì không được giải tỏa.
Theo Tuổi trẻ