Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Nền kinh tế nước này hiện nay cần 400.000 lao động nhập cư mỗi năm, để bảo đảm sự thịnh vượng cũng như hệ thống phúc lợi.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Giống như hầu hết các quốc gia có thu nhập cao (HIC) trên thế giới, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này cần tăng đáng kể số lao động nhập cư. Do đó, quốc gia này cần phải có các chính sách thu hút lực lượng lao động từ khắp nơi trên thế giới. Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn lao động vẫn tiếp tục diễn ra, Đức sẽ thất bại trong những dịch chuyển cơ cấu kinh tế lớn trong tương lai.
Đức vốn đã từng có chính sách nhập cư dựa trên nhu cầu của nền kinh tế. Trong những năm kinh tế phát triển bùng nổ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức đã sở hữu nguồn lao động từ các nước như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ… Và sau khi hết hợp đồng lao động, nhiều người trong số này đã ở lại và hình thành những cộng đồng người nước ngoài đông nhất ở Đức. Song, khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ Trung Đông năm 1973 đã khiến kinh tế các nước phương Tây chao đảo, Đức đã cho dừng chính sách nhập cư lao động.
Việc thống nhất nước Đức, hình thành và xây dựng cộng đồng châu Âu, mở rộng thị trường lao động toàn châu Âu đã giúp cung ứng phần nào nhân lực cho nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, cho tới những năm gần đây, những thế hệ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ kinh tế dần về hưu, nhân lực thay thế bị thiếu hụt do hậu quả của sự già hóa dân số. Tình trạng này càng bị trầm trọng thêm do khủng hoảng hậu Covid-19.
Theo một cuộc điều tra của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), thiếu hụt nhân lực là trở lực lớn nhất cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp đang không thể tìm đủ lao động Đức và hầu như không có bất kỳ cơ hội hợp pháp nào để tuyển dụng lao động từ nước ngoài. Lệnh cấm tuyển dụng từ năm 1973 vẫn còn hiệu lực là rào cản pháp lý đối với giải pháp nhập khẩu nguồn nhân lực. Nhân lực theo mùa giờ đây cũng khó thuê hơn nhiều so với trước.
Giải quyết thách thức lâu dài
Đức đã đặt ra các mục tiêu giải quyết những thách thức lâu dài về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, bằng Đạo luật nhập cư dành cho lao động có tay nghề. Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đang phải đối mặt những thách thức này do những thay đổi về nhân khẩu học và già hoá dân số, điều quan trọng là cần tìm ra giải pháp ở cấp độ châu Âu.
Theo đó, Đảng Xanh của Đức đã thúc đẩy chính sách nhập cư đoàn tụ gia đình trong nhiều năm qua, có tính đến nhân quyền và lợi ích của quốc gia xuất xứ. Hồi tháng 6, Đức đã đưa vào thực hiện luật nhập cư mới, theo đó sẽ có ba trụ cột để đưa lao động nhập cư vào thị trường lao động Đức trong tương lai: Lao động lành nghề, kinh nghiệm và tiềm năng.
Trụ cột lao động lành nghề đã có trong Đạo luật nhập cư dành cho lao động có tay nghề năm 2020, nhưng mức lương tối thiểu đủ điều kiện nhập cư sẽ được hạ xuống và lao động có tay nghề được công nhận sẽ được phép làm các công việc đa dạng hơn mà không bị hạn chế ngành nghề như trước.
Trụ cột thứ hai, luật nhập cư mới sẽ công nhận kinh nghiệm chuyên môn trong khi trước đây những lao động có trình độ nhưng bằng cấp không tương đương với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đức vẫn bị từ chối tiếp cận thị trường lao động Đức. Kể từ nay, lao động nước ngoài có thể làm việc ở Đức nếu được đào tạo chính quy ít nhất hai năm, được công nhận ở nước xuất xứ và được trả lương nhất định theo quy định của công đoàn.
Trụ cột thứ ba là ‘thẻ cơ hội’ (Chancenkarte), được chấp nhận trong thỏa thuận liên minh của chính phủ hiện tại. Dựa trên hệ thống tính điểm, việc đến Đức để tìm việc làm sẽ dễ dàng hơn. Đức đã học theo kinh nghiệm thành công của các quốc gia nhập cư khác như Canada và New Zealand.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền thông qua phiên bản trước đó của Đạo luật nhập cư mới dành cho lao động có tay nghề hồi tháng 3 năm nay, trong các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, nhóm nghị sỹ đảng Xanh cùng với các đối tác liên minh từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Tự do (FDP) đã đạt được những cải tiến đáng kể trong luật mới. Những thay đổi trong luật đề cập đến tiềm năng của những lao động đang ở Đức và những người chưa đến Đức.
Cụ thể, Đức mở ra cơ hội cho người tị nạn được chuyển từ tư cách tị nạn sang tư cách cư trú vì mục đích việc làm. Như vậy những người đã tới Đức sẽ được chính phủ tạo điều kiện cho tham gia vào xã hội, thúc đẩy hội nhập và giúp giảm bớt gánh nặng hành chính. Hơn nữa, Đạo luật nhập cư cho lao động có tay nghề sẽ giảm bớt rào cản cho những lao động có tay nghề mang theo gia đình hoặc đoàn tụ với gia đình, đặc biệt là khi họ có cha mẹ ở Đức. Cuối cùng, các rào cản hành chính được bãi bỏ, trước đây Luật cư trú của Đức gần như không cho phép việc chuyển từ thị thực ngắn hạn sang cư trú dài hạn mà không rời khỏi Đức, và hiện này rào cản này đã không còn nữa. Theo đó, những ai có hợp đồng lao động và đáp ứng mọi yêu cầu có thể được cấp quyền cư trú dài hạn ngay.
Với những điều kiện cởi mở trên, có thể thấy Đức đang nỗ lực mở rộng cửa cho thị trường lao động, từ những ngành dịch vụ như điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn đến những việc có chuyên môn cao như CNTT.
Theo: Báo Đại Biểu Nhân Dân