Cần có những giải pháp để hệ thống trường THPT chuyên nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Những giải pháp này được ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định chia sẻ nhân Quy chế mới về tổ chức, hoạt động của trường THPT chuyên được ban hành.
Thuận lợi hơn từ những điểm mới
– Theo ông, đâu là những điểm mới đáng chú ý trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường THPT chuyên được Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGD&ĐT mới đây?
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên ban hành kèm Thông tư số 05/2023/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT có nhiều nội dung mới, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý gồm:
Thứ nhất, về nhiệm vụ đối với trường THPT chuyên: Quy định nhà trường trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 1 hội thảo chuyên đề về tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường với sự tham gia của các trường THCS, THPT khác nhằm chia sẻ những giải pháp và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường THPT chuyên theo quy định.
Cụ thể, đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 1 hội thảo chuyên đề theo quy định. Tổ chuyên môn cũng chủ trì tổ chức ít nhất 1 lần sinh hoạt chuyên môn trong mỗi năm học, có mời giáo viên của các trường THCS, THPT khác tham dự nhằm chia sẻ giải pháp, kết quả thực hiện của tổ trong nghiên cứu, vận dụng hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến trong nước, quốc tế.
Giáo viên trường THPT chuyên cũng vậy, trong mỗi năm học, chủ trì hoặc tham gia tổ chức thực hiện ít nhất 1 lần sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn theo quy định. Quy chế mới bãi bỏ quy định hàng năm có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng hoặc một sáng kiến kinh nghiệm.
Quy định thêm về nhiệm vụ của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên giúp cho nhà trường, đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên tích cực, chủ động thực hiện việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực công tác giảng dạy.
Thứ hai, về lớp học trong trường THPT chuyên: Không tổ chức lớp không chuyên trong trường THPT chuyên. Cơ quan quản lý trường THPT chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên. Việc này giúp cho nhà trường và đội ngũ nhà giáo tập trung, đầu tư chuyên sâu trong công tác giảng dạy các lớp, học sinh chuyên; nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục lớp chuyên.
Cùng với đó, không quy định tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giúp cho các địa phương linh hoạt thực hiện phù hợp với tình hình, đặc điểm và đảm bảo theo quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 trường THPT chuyên.
Về tuyển sinh vào lớp đầu cấp: Không quy định về phương thức tuyển sinh phải qua 2 vòng, vòng 1 sơ tuyển và vòng 2 thi tuyển. Giao Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho trường THPT chuyên trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thi tuyển sinh, tạo cơ chế cho địa phương linh hoạt thực hiện phù hợp với thực tế.
Về chuyển trường của học sinh trường THPT chuyên: Việc chuyển học sinh từ trường THPT chuyên sang trường THPT không chuyên, thực hiện theo quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bãi bỏ quy định về chuyển học sinh từ trường THPT chuyên về các trường THPT không chuyên nếu học sinh phải lưu ban hoặc xếp loại hạnh kiểm/rèn luyện từ mức trung bình/đạt trở xuống, xếp loại học lực trung bình/đạt trở xuống.
Quy chế mới cũng không quy định về nội dung về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập trường THPT chuyên, nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung thành lập đơn vị sự nghiệp do Chính phủ quy định. Không quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ (phải có bằng thạc sĩ trở lên) đối với vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm phù hợp với thực tiễn nhà trường và phù hợp với các quy định chung của Đảng và Nhà nước về tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý.
Bên cạnh những thuận lợi, những điểm mới trong Quy chế cũng đặt ra thách thức mới đó là nâng cao năng lực quản trị, hoạt động của nhà trường; nâng cao hiệu quả của đội ngũ quản lý; nâng cao năng lực giảng dạy và giáo dục của giáo viên; nâng cao năng lực làm việc của nhân viên; nâng cao tinh thần tự học, tự rèn của học sinh để đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của trường THPT chuyên.
Phát huy vị trí, vai trò trường THPT chuyên trong giai đoạn mới
– Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên là giao nhiệm vụ các hội thảo chuyên môn. Theo ông, các trường THPT chuyên nói chung, trường THPT chuyên tại Bình Định nói riêng cần triển khai ra sao để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Bên cạnh nhiệm vụ đó, trường THPT chuyên cần làm gì để nâng tầm ảnh hưởng, phát huy vai trò đầu tàu?
Hàng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng các trường THPT chuyên giao nhiệm vụ cho mỗi viên chức quản lý, giáo viên đều phải có một chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từ những chuyên đề này, các giáo viên trình bày trong sinh hoạt tổ chuyên môn nhằm trao đổi để thống nhất việc vận dụng chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá tiên tiến trong nước và quốc tế.
Những mô hình mới trong giảng dạy, những thông tin bổ ích, khả thi gặt hái được qua các hội thảo trên sẽ được Sở GD&ĐT thẩm định, đưa vào nội dung các hội thảo chuyên đề cho giáo viên các trường THPT trên địa bàn.
Theo tôi, các trường THPT chuyên phải luôn cập nhật kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ bằng nhiều phương thức, nhiều kênh và vận dụng trong giảng dạy tại đơn vị mình; đồng thời có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho các đơn vị bạn để cùng chung tay nâng cao chất lượng giáo dục.
Cùng với việc tạo điều kiện cho các trường THPT chuyên trong tỉnh phối hợp với những trường THPT chuyên trong khu vực để tổ chức hội thảo chuyên môn, Sở cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các trường đại học, các viện khoa học để tổ chức các hội thảo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác tại các trường THPT chuyên.
– Sau 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, theo ông, cần giải pháp nào tiếp theo để trường THPT chuyên có thể nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới?
Để trường THPT chuyên có thể nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới, theo tôi, cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên và nhân viên trường THPT chuyên để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nhằm đảm bảo đủ số lượng, cân đối về cơ cấu.
Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ cho viên chức quản lý, giáo viên trường THPT chuyên. Nội dung bồi dưỡng giáo viên THPT chuyên phù hợp với từng giai đoạn (về kiến thức, kỹ năng quản lý; bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao năng lực phát triển chương trình, tài liệu môn chuyên, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục; tổ chức các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong, ngoài nước về giảng dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học). Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên và việc học tập, làm quen nghiên cứu khoa học của học sinh.
Thứ ba, xây dựng các quy định về tuyển sinh vào trường THPT chuyên phù hợp với thực tiễn của từng địa bàn; đổi mới việc tổ chức thi học sinh giỏi, tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển dự thi Olympic. Tăng cường các kỳ thi mang tính chất giao lưu giữa các trường THPT chuyên thuộc các vùng trên cả nước.
Thứ tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa, hợp tác quốc tế để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại phục vụ cho việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và internet; phát triển hệ thống thư viện, thư viện điện tử, đầu tư mua sách, tài liệu tham khảo,… (đạt chuẩn quốc gia).
Thứ năm, xây dựng chính sách ưu tiên đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ đại học cao; chính sách thu hút giáo viên chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường THPT chuyên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.
Quy định chính sách đặc thù với trường THPT chuyên
– Với Bình Định, ngành GD&ĐT đã có những hướng phát triển trường THPT chuyên trên địa bàn như thế nào trong giai đoạn tiếp theo?
Bình Định có 2 trường THPT chuyên: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành lập năm 2000 và Trường THPT chuyên Chu Văn An thành lập năm 2016. Các trường THPT chuyên này đã có những đóng góp lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi ở Bình Định, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho đất nước.
Để hệ thống trường THPT chuyên tại Bình Định ngày càng phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ thực hiện những định hướng sau để phát triển các trường THPT chuyên của tỉnh:
Một là, tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia; có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh giỏi để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Hai là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên hiện có nắm vững kiến thức, kỹ năng dạy chuyên; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tiếp nhận những giáo viên giỏi, giáo viên có trình độ cao về công tác tại trường THPT chuyên; đồng thời, thực hiện công tác điều chuyển những giáo viên không đáp ứng nhiệm vụ dạy chuyên ra khỏi trường THPT chuyên.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện các quy chế về tuyển sinh vào trường THPT chuyên. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định. Mở rộng và thực hiện tốt công tác tuyển sinh học sinh chuyên; đảm bảo tuyển chọn được những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để vào trường THPT chuyên.
Tính đến năm học 2022-2023, các trường THPT chuyên của Bình Định đã thực hiện tuyển sinh 7 môn chuyên là Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn và Tiếng Anh; dự kiến năm học 2023-2024, sẽ bắt đầu thực hiện tuyển sinh thêm 2 môn chuyên là Lịch sử và Địa lí.
Bốn là,đổi mới việc tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic; tăng cường các kỳ thi mang tính chất giao lưu giữa các trường THPT chuyên thuộc các vùng trên cả nước.
Năm là, tham mưu xây dựng và triển khai các chế độ khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý của trường THPT chuyên.
Sở GD&ĐT đã chủ trì xây dựng Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý các trường THPT chuyên thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định và Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để UBND tỉnh ban hành Quyết định 78/2022/QĐ-UBND quy định nội dung, mức chi khen thưởng cho viên chức quản lý, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội thi, kỳ thi, cuộc thi do ngành Giáo dục tổ chức.
– Xin cảm ơn ông!
Theo GD&TĐ