Sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, năm học 2023 – 2024, nhiều đại học dự kiến tăng 10 – 20% học phí
Trường đại học rục rịch tăng học phí
Thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023 – 2024, trong đó, có quy định về mức học phí đối với từng ngành/chuyên ngành.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường đại học bắt đầu tăng học phí từ 10 – 20% cho năm học 2023 – 2024.
Năm 2022, 2023, Trường Đại học Điện lực ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Hay tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm học 2022 – 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học 2023 – 2024, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm, tăng khoang 10%.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến nâng mức học phí từ 785.000 đồng/tín chỉ (năm học 2022 – 2023) lên 940.000 đồng/tín chỉ đối với chương trình chuẩn năm 2023-2024. Đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí tăng gấp 1,4 lần so với các học phần dạy bằng tiếng Việt, tức là tăng khoảng 20%.
Cẩn trọng “bẫy học phí”
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.
Chia sẻ với Lao Động, lãnh đạo 1 trường đại học nói rằng, từ thực tế các mùa tuyển sinh năm trước, rất nhiều trường “mập mờ” trong việc công khai mức học phí.
Cụ thể, có trường đưa ra học phí cho năm đầu rất rẻ, nhưng chi phí cho 4 năm là cao ngất ngưởng. Hay có trường chia nhỏ thành các kỳ học mỗi năm, cùng với đó, là chính sách biến động học phí quy định tăng 6-8% hằng năm.
Chiêu trò khác là đưa ra học phí thấp trong kỳ đầu hoặc năm đầu tiên, nhưng sẽ tăng ở các kỳ sau đó. Hoặc thậm chí, có trường chỉ công bố học phí theo tín chỉ mà không nêu tổng số tín chỉ của 1 năm, rất khó để học sinh, phụ huynh theo dõi.
“Phụ huynh và thí sinh khi đọc đề án tuyển sinh các trường thì cần chú ý vì một số trường có để thông tin từ năm thứ 2 sẽ tăng học phí, tránh thắc mắc trong quá trình học tập” – vị lãnh đạo này khuyến cáo.
Về vấn đề học phí các trường đại học, TS Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, ngoài yếu tố về sở thích, đam mê, điểm số, năng lực của người học,… học phí là tác động lớn đối với việc lựa chọn ngành học, trường học.
“Khả năng đóng học phí rất quan trọng, vì điều đó đảm bảo các em theo đuổi việc học đến cùng” – TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, hiện nay, nhiều trường đại học đều có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên. Đây là điều cần thiết, hiệu quả cho sinh viên nếu các em biết tìm cách tiếp cận nguồn tài trợ đó.
Chẳng hạn, các trường đều đưa ra chính sách học bổng dành cho những sinh viên có khó khăn về tài chính. Hay chính sách vay tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội,…
“Các em cần cân nhắc, tìm hiểu học phí, chất lượng đào tạo, chính sách hỗ trợ người học để đưa ra sự lựa chọn ngành nghề, trường theo học phù hợp cho mình” – TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.