Hiện nay, nhiều người lao động ở Việt Nam có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Nhiều người băn khoăn khi đi xuất khẩu lao động có phải thực hiện ký quỹ không và quy định về ký quỹ để đi xuất khẩu lao động nước ngoài như thế nào?
1. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có phải ký quỹ với công ty xuất khẩu lao động?
Căn cứ Điều 25 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm quy định về tiền ký quỹ của người lao động cụ thể như sau:
Để đảm bảo người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động thì doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ. Về việc gửi tiền ký quỹ thì người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu để gửi vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.
Khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ. Tuy nhiên tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra trong trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại số dư cho người lao động còn nếu tiền ký quỹ không đủ để phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì người lao động phải nộp bổ sung.
Trường hợp người lao động và doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu có tranh chấp phát sinh về tiền ký quỹ thì người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ lao động -Thương binh và Xã hội hoặc thực hiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc ký quỹ để đảm bảo người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động. Nếu không có thỏa thuận về việc ký quỹ thì người lao động không phải thực hiện ký quỹ với doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động.
2. Quy định ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động:
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động như sau:
Trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được gửi tại ngân hàng và được sử dụng. Doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng.
Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thỏa thuận được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác thì bàn giao toàn bộ hồ sơ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động chưa thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại thời điểm chuyển giao, nếu tiền ký quỹ còn thừa sau khi trừ phí dịch vụ ngân hàng thì doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
3. Mục đích ký quỹ để đi xuất khẩu lao động nước ngoài:
Khi tham gia vào hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ra nước ngoài thì người lao động sẽ phát sinh trách nhiệm ký quỹ và việc thực hiện ký quỹ nhằm đảm bảo người lao động thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ký quỹ là một trong các biện pháp mà các bên áp dụng nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, theo đó, bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ tại một tổ chức tín dụng. Dựa vào hợp đồng ký quỹ để đảm bảo cho hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đây cũng là biện pháp bảo đảm duy nhất có thể đảm bảo cho nghĩa vụ của người lao động.
4. Mức trần tiền ký quỹ của người lao động:
Theo quy định tại Điều 29 và Phụ lục II của Nghị định 112/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần.
Cụ thể mức trần này phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:
– Ở Đài Loan giá thị trường đối với ngành nghề là thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải thì không cần ký quỹ, còn với các ngành nghề khác thì ký quỹ 12.000.000 đồng;
– Ở Hàn Quốc giá thị trường với ngành thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải thì không cần ký quỹ, còn với các ngành, nghề khác thì mức ký quỹ là 36.000.000 đồng;
– Ở Nhật Bản, các nước thuộc khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông thì với mọi ngành, nghề thì không cần ký quỹ; Đối với các quốc gia và khu vực khác với ngành nghề thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải không cần ký quỹ còn các ngành, nghề khác thì mức ký quỹ tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam.
5. Thực hiện việc ký quỹ của người lao động:
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 112/2021/NĐ-CP, để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động, doanh nghiệp dịch vụ và ngân hàng nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ với các nội dung như sau: tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; tên, số căn cước công dân/hộ chiếu và địa chỉ của người lao động; tên, mã số, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; mục đích ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc thì các bên thực hiện việc ký quỹ.
Theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nếu người lao động có lỗi gây ra thiệt hại đối với doanh nghiệp dịch vụ thì tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp khoản thiệt hại đó. Mức bù đắp tổn thất thiệt hại của người lao động được thỏa thuận quy định trong văn bản thanh lý hợp đồng
6. Các trường hợp được hoàn trả tiền ký quỹ:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 112/2021/NĐ-CP, tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp;
– Trong thời hạn đã cam kết mà người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc đã quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài;
– Các trường người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động;
– Sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà tiền ký quỹ của người lao động còn dư.
Căn cứ văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) cho người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền; đối với trường hợp mà người lao động phải bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp mà tiền ký quỹ còn dư thì ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) căn cứ vào văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc theo văn bản hòa giải thành hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án.