Bài trắc nghiệm này được phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học người Mỹ – John Holland và sử dụng rộng rãi trong quá trình định hướng nghề nghiệp tại các nước phát triển như Mỹ, New Zealand, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Italy…
Trắc nghiệm Holland được đánh giá rất cao trong việc nhận diện tính cách, lựa chọn ngành nghề và khám phá tiềm năng của bản thân.
Theo học thuyết của Holland, các loại ngành nghề trong xã hội sẽ tương ứng với 6 nhóm sở thích nghề nghiệp. Đó là: Thực tế – Realistic, Nghiên cứu – Investigative, Nghệ thuật – Artistic, Xã hội – Social, Lãnh đạo – Enterprise, Mẫu mực – Conventional. Sau khi thực hiện bài trắc nghiệm, học sinh sẽ biết được mình thuộc nhóm nào. Như vậy sau khi học sinh đã biết mình phù hợp với nhóm nghề gì sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu thật kỹ những ngành nghề thuộc nhóm này.
Cùng Học viện Hoa Sơn Chi khám phá đặc tính và nghề nghiệp phù hợp với 6 nhóm tínhcách này nhé!
1 Nhóm Nghiệp vụ (ventional) – Sức mạnh của những người nguyên tắc
1.1 Biểu hiện:
- Quý cha mẹ nào có con thuộc nhóm này thì ngay từ nhỏ đã không cần lo lắng gì nhiều về các em. Họ tự xếp đồ chơi sau khi chơi xong, đòi hỏi bạn chơi chung cũng ngăn nắp như mình. Họ gọn gàng, sạch sẽ, đúng giờ hầu hết thời gian. Khi đến tuổi đi học, họ tự làm bài tập mà không cần cha mẹ đôn đốc hay nhắc nhở. Họ là những người con và học trò rất có trách nhiệm.
- Lớn lên một chút, các em sẽ bộc lộ sở thích và khả năng thuộc nhóm Nghiệp vụ qua sự nhạy bén với con số, cách tiêu tiền cẩn thận, khả năng để ý đến chi tiết, sự tỉ mỉ trong thói quen hàng ngày.
- Trong lớp hay với bạn bè, các em thường được tin tưởng để giao các trách nhiệm liên quan đến sổ sách, giấy tờ, quỹ lớp, tổ chức sự kiện, v.v.
- Vì những đặc điểm trên, các em dễ bị căng thẳng khi có những thay đổi xảy ra ở phút cuối, khi mọi sự không xảy ra như các em dự tính, khi kết quả không được ‘hoàn hảo’. Trong gia đình, các em rất khó chịu khi ba mẹ ra một quyết định gì đấy theo sự hứng thú bất ngờ (ví dụ như sáng dậy cả nhà quyết định đi Vũng Tàu chơi). Các em cảm thấy an toàn và thoải mái khi tất cả trong tầm kiểm soát của bản thân.
- Nếu là kiểu người Nghiệp vụ, bạn là người có tổ chức, logic và sự định hướng chi tiết cho công việc. Bạn thích cấu trúc quy tắc và quy trình rõ ràng, trong công việc bạn có thế mạnh trong việc xử lý dữ liệu và có xu hướng giỏi toán học. Bạn là người có nhiều tham vọng nhưng rất hòa nhập với môi trường xung quanh. Bạn là người tận tâm, lịch sự và rất kiên trì với mục tiêu của mình, nhờ sự siêng năng và tinh tế, bạn rất dễ thành công trong công việc, nhất là những công việc thuộc thế mạnh của bản thân.
1.2 Những người nhóm Nghiệp vụ sẽ phù hợp với những nhóm ngành nào?
Các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ rất hợp với các ngành học liên quan đến vận hành kinh doanh bao gồm truyền thông và hồ sơ, các giao dịch tài chính, phân phối và điều phối. Họ là kiểu người có tích cách cẩn trọng, tỉ mỉ, có nguyên tắc, luôn tuân theo trình tự nhất định.
Họ làm việc với những con số, dữ liệu báo cáo hoặc với công cụ đã lập trình sẵn. Họ thích hợp với công việc văn phòng, công chức nhà nước, những công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chi tiết và máy móc, quy củ.
Những công việc dành cho nhóm người này là: luật sư, công an hình sự, nghiên cứu viên, thanh tra ngành, giáo viên, kiểm toán viên, điện thoại viên, cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, hành chính tổng hợp, tổ chức cán bộ, v.v.
1.3 Nhóm nghiệp vụ và mối khối ngành Kinh doanh
Không phải ngành học hay công việc nào thuộc khối ngành kinh doanh cũng sẽ hợp với nhóm này. Xin lưu ý là các em có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ (mà không có thêm nhóm Quản lý hay Xã hội) thì không nên học ngành đòi hỏi làm việc chủ yếu với con người. Điều này sẽ làm các em mệt vì con người luôn luôn thay đổi, mà các em thì rất ghét sự thay đổi và không đoán trước được.
Do đó, các ngành học hay công việc nào liên quan đến việc vận hành một công ty sẽ hợp với các em. Ví dụ, ngành Nhân sự có hai nhánh. Một nhánh chủ yếu làm việc với con người như tuyển dụng, đào tạo, phát triển, v.v. trong khi nhóm còn lại chủ yếu làm việc với lương bổng, bảo hiểm, chính sách đãi ngộ, tổ chức sự kiện liên quan đến nhân sự, v.v. Nhánh thứ hai của ngành Nhân sự hợp với các em Nghiệp vụ trong khi nhóm một thì hoàn toàn không phù hợp.
Đừng chỉ đọc tên ngành khi tìm hiểu và quyết định chọn ngành học; hãy đọc những đặc điểm, kỹ năng và kiến thức sẽ đào tạo bên trong nội dung chương trình thật kỹ’.
2 Nhóm quản lý – những nhà người lãnh đạo trong tương lai
2.1 Đặc điểm của nhóm Quản lý Holland
Theo học thuyết Holland, bạn sẽ thuộc nhóm quản lý nếu có những đặc điểm sau:
- Thích và có khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác làm theo mình.
- Thích buôn bán (hàng hóa và ý tưởng) từ nhỏ.
- Không thích các hoạt động hay môn học đòi hỏi sự quan sát kỹ càng, nghiên cứu và phân tích.
- Trong một nhóm người, khi cần người đứng ra lãnh đạo, bạn sẽ không ngần ngại là người lên tiếng cho dù bạn chưa biết hết việc cần làm hay chưa có đủ khả năng cho công việc ấy.
- Có khả năng lấy được sự tin phục của bạn đồng lứa, thành viên gia đình, hay người xung quanh.
- Có khả năng ra quyết định, thường là người quyết đoán và ít có nhu cầu suy nghĩ quá kỹ khi trước khi làm một việc gì đó.
- Xem trọng sự thành công trong những vai trò quản lý đội/nhóm.
- Thường là người năng động, hướng ngoại, có tham vọng và giao tiếp tốt.
2.2 Những người nhóm Quản lý sẽ phù hợp với những nhóm ngành nào?
Những người thuộc nhóm Quản lý có xu hướng dám nghĩ dám làm, nghiêng về vai trò lãnh đạo. Họ sẵn sàng chấp nhận thử thách và đối mặt với nhiều khó khăn, cũng như trong họ luôn có sự hiếu chiến. Từ khi còn rất nhỏ, các bạn có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Quản lý đã tỏ ý thích về việc kiếm nhiều tiền trong tương lai, giữ các vị trí quan trọng trong công ty, hay trở thành người thành công được nhiều người biết đến.
Sở thích của họ thường là kinh doanh, lãnh đạo, quản trị hoặc đàm phán, thuyết phục người khác. Do đó họ phù với các vị trí quản lý trong doanh nghiệp và định hướng xã hội.
Theo trắc nghiệm hướng nghiệp mật mã Holland, những nghề nghiệp có tính đột phá bao gồm: công an, quân đội, quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kế toán – tài chính, tài chính – ngân hàng, luật sư, kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, nhân viên sales, pha chế rượu, quy hoạch đô thị, v.v.
Tuy nhiên, cần phải để ý là nhóm Quản lý rất không thích và không giỏi tự nhiên khi phải chú ý đến chi tiết, sự ngăn nắp, sắp xếp nên trừ khi họ cũng thuộc nhóm Nghiệp vụ, họ sẽ không học tốt các ngành học đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chi tiết, số liệu, sắp xếp, phân tích nhiều.
2.3 Nhận định sai lầm trong hướng nghiệp cho nhóm quản lý
Khi nhìn thấy danh sách các ngành nghề nghiệp, có một số bạn đặt ra câu hỏi: “Có phải tất cả các ngành liên quan đến kinh doanh và thương mại đều phù hợp với nhóm Quản lý hay không?” Đây cũng chính là nhận định sai lầm của đa số mọi người khi nhắc tới nhóm quản lý, từ đó có những định hướng sai lệch khi đưa ra lời khuyên hướng nghiệp cho nhóm này.
Tuy nhiên, câu trả lời là “Không!”. Như đã đề cập ở phần trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điểm yếu của nhóm quản lý là không có năng khiếu trong những công việc chú trọng tiểu tiết, trừ khi họ cũng có những đặc điểm thuộc nhóm Nghiệp vụ.
Do vậy, các bạn thuộc nhóm quản lý không phù hợp với các ngành nghề liên quan đến kinh tế hay thương mại nhưng đòi hỏi kỹ năng để ý chi tiết, kỹ năng phân tích và làm việc với dữ liệu, kỹ năng sắp xếp và ngăn nắp. Cụ thể, các bạn cần cân nhắc khi lựa chọn các ngành học như: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng,…
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nhóm điểm cao thứ hai hoặc thứ ba theo trắc nghiệm Holland, bạn có thể thuộc nhóm Quản lý – Xã hội, Quản lý – Nghệ thuật hoặc Quản lý – Nghiệp vụ,… Các nhóm này sẽ có những đặc điểm tính cách và sẽ phù hợp với những môi trường làm việc khác so với nhóm tính cách thuần quản lý.
3 Nhóm Xã hội trắc nghiệm Holland – Bạn của mọi nghề
3.1 Đặc điểm của những con người thuộc nhóm Xã hội trắc nghiệm Holland
Theo học thuyết Holland, nhóm người thuộc nhóm Xã hội có những đặc điểm như sau:
- Họ thích giúp đỡ người khác. Tất cả những điều họ làm đều hướng về một mục tiêu ”làm cho người xung quanh mình hạnh phúc”. Và ”người xung quanh” ở đây bao gồm người thân trong gia đình, họ hàng xa, hàng xóm, bạn bè trong lớp, bạn bè ngoài lớp, và cả người lạ trên đường họ chưa bao giờ gặp gỡ.
- Họ có khả năng hiểu người khác rất tốt. Họ rất nhạy trong việc cảm được niềm vui, nỗi buồn của người xung quanh.
- Họ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác, do đó, họ thường muốn giúp người khác vui lên vì lúc đó bản thân họ cũng sẽ hạnh phúc hơn.
- Họ có khả năng về ngôn ngữ; họ diễn đạt tốt ý tưởng của mình; họ có thể truyền đạt kiến thức và giải thích thông tin phức tạp cho người khác một cách dễ dàng.
- Họ có khả năng lắng nghe người khác một cách kiên nhẫn, và rất nhiều khi bạn bè, người quen tìm đến họ chỉ để tâm sự với họ.
Từ rất nhỏ, các bạn trẻ có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Xã hội đã cho thấy các đặc điểm của nhóm này qua những biểu hiện sau: nhạy cảm, hay chăm sóc người khác, lo sợ người khác buồn, chiều lòng cha mẹ và bạn bè hơn chiều ý thích của bản thân, lắng nghe tốt, thích các hoạt động công tác xã hội, dễ mủi lòng khi xem phim hay đọc truyện cảm động.
Nhóm bạn trẻ này thông thường học rất tốt các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, và cũng có khiếu trong việc học ngoại ngữ. Họ có thể cũng học rất tốt các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa dù không thích những môn này lắm vì chiều lòng ba mẹ, (cũng có khi vì họ cũng có năng khiếu ở nhóm này).
Các em thuộc nhóm này khổ sở nhất trong 6 nhóm Sở thích nghề nghiệp Holland trên vì đặc điểm không muốn làm ba mẹ buồn. Vì đặc điểm ấy, họ thường giấu những sở thích và khả năng thật của mình từ khi rất sớm khi ”cảm” được rằng ba mẹ có những mong muốn và hướng dẫn nghề nghiệp rất khác với mong đợi tự nhiên của bản thân.
Họ cũng là nhóm bị ba mẹ than phiền nhiều nhất vì, ”Sao cháu nó đồng ý với tôi là sẽ học ”ABC” mà khi học rồi thì lại học không giỏi và nói là không thích hợp. Sao cháu không nói với tôi từ sớm hơn?”
Và câu mà các em nhóm Xã hội hay tâm sự với tôi trong phòng tư vấn hướng nghiệp cá nhân là, ”Ba me luôn nói con được tự do chọn, nhưng sau đó ba mẹ luôn muốn hướng con theo điều ba mẹ muốn, và con không biết sao mà mình không phản đối hay từ chối ba mẹ được, cô ạ”.
Nếu quý cha mẹ nghĩ rằng con mình thuộc nhóm này, điều tốt nhất mà anh chị có thể làm là nói: ”Con nên tìm hiểu và chọn ngành nào làm cho con vui vẻ, hạnh phúc, và thành công nhất. Miễn là con thành công và vui vẻ, thì ba mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Con phải làm điều tốt nhất cho con, vì đó có nghĩa rằng con đang làm điều tốt nhất cho ba mẹ đó”. Và anh chị phải nói câu này lặp đi lặp lại suốt thời gian con trưởng thành. Khi con thật sự tin điều đó, con sẽ làm được như vậy.
3.2 Những người nhóm Xã hội sẽ phù hợp với những nhóm ngành nào?
Nhóm Xã Hội theo Trắc nghiệm nghề nghiệp Holland, họ thường là những người thích giúp đỡ người khác, thích tương tác, trò chuyện. Họ quan tâm đến những vấn đề xã hội. Họ có khả năng diễn đạt và thuyết phục người khác.
Chung quy lại, họ là những người hướng ngoại, hòa đồng và thích sự cởi mở, chính vì vậy những công việc từ thiện, hoạt động xã hội, giảng dạy rất phù hợp với họ.
Một số những ngành nghề dành cho nhóm người này là: giảng viên; hướng dẫn viên du lịch; tư vấn tâm lý, công tác xã hội, tình nguyện viên, tư vấn – hướng nghiệp, sức khỏe cộng đồng, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nhân sự, cảnh sát, nhân viên xã hội học, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, v.v
3.3 Nên nuôi dưỡng theo sở thích và khả năng tự nhiên
Chúng tôi luôn tin, và nghiên cứu cũng cho thấy rằng, xã hội có chỗ cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta hiểu rõ bản thân, phát triển điểm mạnh tự nhiên của mình, làm việc nhóm để người khác bổ sung yếu điểm của mình, luôn học hỏi để tiến về phía trước, cập nhật kiến thức về thị trường lao động để không dậm chân tại chỗ. Để kết bài viết này, tôi mong quý cha mẹ:
- Giúp các em thuộc nhóm Xã hội nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên từ sớm bằng cách để chúng sinh hoạt xã hội, làm công tác cộng đồng (mà ta hay gọi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng), tham gia hoạt động từ thiện, chăm sóc thú nuôi, v.v.
- Lắng nghe và trò chuyện cùng các em để chúng đủ tự tin làm những việc bản thân yêu thích hơn là làm vì sợ người khác mất lòng.
- Hỗ trợ các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.
- Giúp các em hiểu điều quan trọng trong lĩnh vực ”giúp người” là các em phải biết giúp đỡ bản thân trước, phải mạnh khỏe, phải đủ tiền lo cho mình và gia đình trước. Do đó, các em phải rất thực tế, nhìn rõ bức tranh tài chính, hiểu rõ mình đang làm quyết định gì thay vì mù mờ tiến về phía trước như ở trên mây, ”Con không cần tiền”. Sẽ rất tốt cho nhóm Xã hội nếu họ có kiến thức căn bản về thương mại bên cạnh chuyên ngành của họ.
- Khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, kỹ năng quản lý tài chính của bản thân và gia đình, v.v.
4 Nhóm Nghệ thuật trắc nghiệm Holland – Dòng chảy của sự sáng tạo
4.1 Biểu hiện của Nhóm Nghệ thuật trắc nghiệm Holland
Bạn là kiểu người Nghệ thuật, thích sự sáng tạo, đổi mới và có trực giác nhạy bén. Bạn chú trọng đến việc thể hiện bản thân qua những lĩnh vực mang tính nghệ thuật (thủ công, viết lách hoặc âm nhạc). Bạn là người có tinh thần tự do, không thích làm những công việc trần tục tẻ nhạt. Thay vào đó, bạn rất phù hợp với những công việc có môi trường năng động, có thể phát huy khả năng tưởng tượng và sáng tạo độc đáo của bản thân.
Những đặc trưng của Kiểu người Nghệ thuật:
– Linh hoạt và thông minh
– Sáng tạo và tự do
– Kiên trì và nhạy cảm
– Khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi
– Có tinh thần phục vụ tự nguyện
– Có trí tưởng tượng tốt
– Hiểu biết về lịch sử, văn hóa, chính trị
4.2 Những người nhóm Nghệ thuật sẽ phù hợp với những nhóm ngành nào?
Nếu bạn thuộc nhóm người Nghệ thuật ắt hẳn bạn yêu thích sự sáng tạo và bạn là kiểu người giàu trí tưởng tượng nhưng tính cách của bạn cũng rất tùy hứng, thích làm việc theo cảm tính. Có thể bạn dễ bị cảm xúc chi phối, lấn át lý trí, bạn không thích làm việc trong khuôn khổ, gò bó.
Tiềm ẩn hoặc dễ thấy trong nhóm người này là một khả năng đặc biệt hay một tài lẻ nào đó.
Các nghề nghiệp thuộc nhóm Nghệ thuật bao gồm nhà văn, nghệ sĩ biểu diễn (bao gồm diễn viên, ca sĩ và vũ công), nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế thời trang, báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình, biên tập viên); truyền thông (truyền thông phát triển xã hội, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, quảng cáo), mỹ thuật, kiến trúc, giáo viên dạy sử/Anh văn, v.v
4.3 Hãy để sự sáng tạo được tỏa sáng theo cách tự nhiên
Thay vì làm theo nỗi lo sợ thiếu thực tế trên, thay vì ép con theo ngành học mà quý cha mẹ nghĩ rằng sẽ an toàn, ổn định, giúp các em tìm được việc làm trong tương lai, thì quý cha mẹ nên:
- Giúp các em nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên của chúng từ sớm bằng cách để chúng phát triển tự nhiên, cho phép học thêm những môn chúng thích (ví dụ như Văn, Nhạc, Hoạ, v.v.), không ép chúng phải giỏi các môn chúng không giỏi tự nhiên (ví dụ như Toán, Lý, v.v.), cùng các em tìm hiểu lĩnh vực chúng yêu thích, dành thời gian tham gia các hoạt động các em thích, quan sát và cùng các em chiêm nghiệm xem các em thật sự có thích và giỏi gì, nếu các em thay đổi thì cứ cho phép các em thay đổi vì bên trong nhóm ngành này có rất nhiều nhóm nhỏ khác mà chỉ khi có trải nghiệm đủ các em mới biết điểm mạnh thật sự của mình là gì.
- Cùng các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.
- Khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, v.v
5 Nhóm Kỹ thuật trắc nghiệm Holland – Cái đầu lạnh và đôi bàn tay khéo
5.1 Nhóm Kỹ thuật họ là ai:
- Khi còn nhỏ, trẻ con thuộc nhóm này rất thích các trò chơi vận động, không sợ dơ khi nghịch đất, cát, nước, đá cuội, v.v. Các em học thể thao nhanh, khả năng phối hợp tay mắt tốt, sử dụng các dụng cụ trong nhà rất dễ dàng (như búa, kềm, kéo, dao, v.v.)
- Khi vào tuổi đi học, các em thích những môn học có thực hành nhiều, không thích những môn nào có nhiều lý thuyết và phải học thuộc lòng. Các em thích những hoạt động có tương tác với vật dụng, máy móc, cây cối, động vật, hơn là với con người. Các em dễ thấy mệt khi phải nói chuyện và xã giao nhiều.
- Các em học rất nhanh khi có người đứng cầm tay chỉ việc, và sau đó sẽ sáng tạo ra cách làm tốt hơn cả thầy. Nhưng nếu đưa một cuốn sách và bắt các em đọc để làm theo hướng dẫn, các em sẽ nản ngay.
- Điểm yếu của các em là không thích và không giỏi diễn đạt cảm xúc hay ý tưởng của bản thân bằng ngôn từ. Các em ghét phải nói nhiều và ghét phải giải thích dài dòng. Vì vậy, các em dễ bị hiểu lầm hay có khi thua thiệt vì không chịu đấu tranh. Các em cũng dễ mất kiên nhẫn và cục tính khi người khác không hiểu mình, gây ra sự xa lánh của người xung quanh.
- Điểm mạnh là các em khá kiên định khi đã xác định một điều gì đó. Các em cũng là những người bạn tuy ít nói những rất trung thành, là những người yêu vững chãi, ít đổi thay, là những người con hiếu thảo diễn đạt tình cảm qua hành động hơn lời nói.
5.2 Nhóm Kỹ thuật hợp với những công việc gì?
Nhóm Kỹ thuật là những người sống thực tế, họ thích công việc tay chân hơn trí óc, ưa nhìn hành động hơn những mơ tưởng viễn vông bởi vậy họ dành sự quan tâm lớn cho các yếu tố hữu hình như địa vị, quyền lực, tiền bạc hay những vật dụng, máy móc cụ thể.
Một số nghề nghiệp được bao gồm trong danh mục này là kỹ sư, nhà nghiên cứu hóa học, nha sĩ, kiến trúc sư, xây dựng, công nghiệp dân dụng, kỹ thuật viên, lái xe, huấn luyện viên, nghề mộc, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp), cơ khí (chế tạo máy móc, luyện kim, cơ khí ứng dụng, bảo trì và sửa chữa thiết bị), địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, điện – điện tử, quản lý công nghiệp, v.v.
Rất ít trường hợp một bạn trẻ chỉ có đặc điểm của một nhóm nào đó. Do đó, các em và cha mẹ nên quan sát kỹ để biết bạn trẻ ngoài nhóm Kỹ thuật ra còn đặc điểm của nhóm nào nữa không. Sự kết hợp giữa hai hay ba nhóm mới cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về sở thích và khả năng tự nhiên của các em.
6.Nhóm Nghiên cứu trắc nghiệm Holland – những con người thông thái
6.1 Đặc điểm:
- Người thuộc nhóm Nghiên cứu là những người thường xuyên đặt câu hỏi để truy vấn thấu đáo nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề.
- Họ thích làm việc với ý tưởng hoặc dữ liệu để sáng tạo nên những giải pháp mới.
- Họ là những người có khả năng quan sát, phân tích, đánh giá vấn đề một cách logic và có hệ thống.
- Họ có khả năng làm việc độc lập tốt, thích các hoạt động cá nhân hoặc làm việc trong nhóm nhỏ hơn những hoạt động cần sự tham gia của nhiều người.
- Bạn bè, người xung quanh thường đánh giá họ là từ điển bách khoa “sống”.
6.2 Những người thuộc nhóm Nghiên cứu phù hợp với công việc nào?
Vì những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, những em nào có sở thích nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiên cứu rất phù hợp với các chương trình đào tạo một trong hai lĩnh vực sau: khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.
Trong khối khoa học tự nhiên, các em sẽ hợp với các ngành học liên quan đến Khoa học Tự nhiên & Công nghệ, Công nghệ Y khoa, Chẩn đoán Y khoa & Điều trị, và Khoa học Xã hội. Một số ngành học cụ thể bao gồm:
- Kiến trúc, kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực khác nhau
- Sinh vật học, công nghệ thực phẩm, địa chất học, vật lí học
- Dinh dưỡng học, nhãn khoa, dược, nha khoa, y tá, thú y
- Nhân chủng học, tội phạm học, khoa học chính trị, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, ngôn ngữ học
Khi bước chân vào thị trường lao động, các em thường sẽ thoải mái khi làm những công việc nào phải tiếp xúc với sách vở, nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Các em thích các ‘hoạt động ý tưởng’ liên quan đến quy trình suy nghĩ nội tại (intrapersonal) như chế tạo, khám phá, diễn giải, tổng hợp các trừu tượng hoặc triển khai ứng dụng các trừu tượng. Ví dụ: các nhà khoa học, nhạc sĩ và triết gia làm việc chủ yếu với những ý tưởng.
Theo học thuyết thì mỗi người chúng ta có thể thuộc vào 1, 2, 3 (hay nhiều hơn) nhóm sở thích và khả năng. Khi biết bản thân thuộc về nhóm nào, chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu, trải nghiệm, xác định được những kỹ năng mình giỏi tự nhiên, rồi từ đó quyết định con đường nghề nghiệp nào mình nên theo đuổi trong tương lai.
Các bạn sau khi đã làm trắc nghiệm và biết mình thuộc nhóm Holand nào, hãy kéo xuống nhóm đó và đọc thật kỹ để hiểu hơn về bản thân nhé!
Hãy liên hệ với Hoa Sơn Chi để đươc tư vấn chi tiết và hoàn toàn miễn phí!
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
- Địa chỉ: 31/16A Nguyễn Đình Khơi, Phường 4, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh
- Văn phòng: 1 Đông Hưng Thuận 27, Đông Hưng Thuận, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh
- Chi nhánh 1: 319 Phan Đình Phùng, Khu vực 1, Phường 3, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang
- Hotline: 0919.097.637 (HCM), 0972.414.549 (Hậu Giang)
- Mail: hocvienhoasonchi@gmail.com
- Website: hoasonchi.edu.vn
Hướng nghiệp Hoa Sơn Chi chúc bạn thành công!