Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết, hiện nay, hoạt động đưa người Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) được thực hiện qua 3 hình thức.
3 hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp
Thứ nhất, thông qua các chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH triển khai, nội dung được đăng tải trên trang web (colab.gov.vn). Cụ thể gồm: chương trình EPS – cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc; chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa; Chương trình đi làm việc tại Đài Loan.
Thứ hai, thông qua các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm thị trường tiếp nhận lao động, tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu, đào tạo nghề, ngôn ngữ trước khi đưa người lao động đi làm việc. Danh sách các doanh nghiệp được cấp phép được đăng tải công khai trên cổng thông tin của ngành LĐ-TB-XH.
Riêng tại TP.HCM, có 114 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động và danh sách được đăng tải trên trang web của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn)
Thứ ba, người lao động đi nước ngoài bằng việc đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Người lao động muốn đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Theo quy định của pháp luật dân sự, một người được xác định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi đủ 18 tuổi và có khả năng tự mình tham gia xác lập quan hệ dân sự và thực hiện nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quan hệ dân sự đó, trừ trường hợp người bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai: Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài
Do đây là quan hệ dân sự nên mọi giao dịch đều phải được xác lập trên tinh thần tự nguyện của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi xâm phạm tính tự nguyện của chủ thể khi giao kết hợp đồng.
Thứ ba: Người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động.
Thứ tư: Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động.
Thứ năm: Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Theo yêu cầu của bên tiếp nhận lao động, người lao động cần phải có một số chứng chỉ nhất định để chứng minh trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ của mình đáp ứng yêu cầu do bên sử dụng lao động đặt ra.
Thứ sáu: Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy: Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt.
Điều này được phản ánh trong hồ sơ lý lịch tư pháp của cá nhân người lao động khi làm hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động.
Đối với trường hợp cá nhân tham gia lao động tại nước ngoài theo hợp đồng cá nhân ngoài đáp ứng các điều kiện trên cần có hợp đồng cá nhân và có giấy xác nhận đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở lao động – thương binh và xã hội nơi người lao động thường trú.
(Nguồn Báo Thanh niên)
Hỗ trợ tư vấn
– Văn phòng: Việt Nam hướng nghiệp (Son Chi Hoa CO.,LTD), 15k Phan Văn Trị, Phường 7, Quận Gò Vấp, Tp.HCM.
– Hotline: 0919.097.637