Sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi, đa số phụ huynh, giáo viên, học sinh đều phấn khởi ủng hộ, đặc biệt, nhiều học sinh còn thấy “vui như Tết”.
Gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm áp lực
So với nhiều năm trở lại đây và với các phương án được đề xuất trước đó, phương án 4 môn thi là gọn nhẹ nhất, tiết kiệm nhất, tối ưu nhất. Đây là nhận xét của đông đảo dư luận về phương án được lựa chọn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình cho biết: “Phương án thi 4 môn được cộng đồng giáo viên, học sinh, phụ huynh mong đợi và các học sinh lớp 11 ở trường tôi đều ủng hộ, reo mừng khi tiếp nhận thông tin chính thức. Số môn thi giảm nghĩa là áp lực lên các em giảm. Bước qua quãng thời gian học tập căng thẳng suốt hơn 10 năm, điều học sinh mong mỏi nhất là được giảm áp lực học tập và thi cử. Bởi vậy, tất cả đều thấy phương án này đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về tính nhân văn”.
Với môn Ngoại ngữ, ai thích học môn này có thể lựa chọn làm môn thi; còn ai không thích sẽ lựa chọn môn học khác theo đúng sở trường. Điều này là rất hợp lý. Không có nghĩa không thi thì học sinh sẽ không học mà các em vẫn phải học ngoại ngữ, vẫn phải hoàn thành chương trình học hàng ngày, hàng tuần theo chương trình giáo dục của nhà trường và thời khóa biểu. Việc ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc cũng đúng tinh thần định hướng nghề nghiệp của chương trình GDPT 2018.
Em Lê Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Chương Mỹ thấy nhẹ nhõm khi biết ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. “Em rất lo lắng nếu thi môn ngoại ngữ vì dù em có học nhưng kiến thức tiếng Anh không thể ngấm. Bố mẹ em cũng đầu tư cho em khá nhiều tiền đi học thêm tiếng Anh song không cải thiện được. Khi không bắt buộc thi ngoại ngữ, em sẽ cắt học thêm môn này để đỡ tốn kém cho bố mẹ và đỡ mất thời gian của bản thân. Em sẽ cố gắng học kiến thức trên lớp để hoàn thành các bài thi định kỳ bắt buộc”, Nghĩa nói.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2021, cả nước có 866.993 thí sinh tham gia thi bài thi tiếng Anh. Điểm trung bình của môn thi này là 5,84 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm. Có 144 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Ngoài ra có 349.175 thí sinh có điểm dưới 5.
Năm 2022, cả nước có 866.196 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.15 điểm, điểm trung vị là 4.8 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 423 (chiếm tỷ lệ 0.05%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446,648 (chiếm tỷ lệ 51.56%).
Năm 2023, cả nước có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).
Như vậy, dù có là môn thi bắt buộc nhưng phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua không tăng và là một trong những môn có điểm trung bình thấp nhất. Vì thế, thi hay không thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng học ngoại ngữ của học sinh phổ thông.
Đánh tan những băn khoăn
“Ngoại ngữ là môn học quan trọng, là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập quốc tế nên nếu không phải là môn thi bắt buộc, thái độ học và sự cố gắng của học sinh sẽ thay đổi, nhất là với học sinh nông thôn- nơi ngoại ngữ luôn là “điểm trũng”. Khi là môn thi bắt buộc, chất lượng học ngoại ngữ ở nông thôn vốn kém. Nay là môn lựa chọn, không biết chất lượng ngoại ngữ của học sinh sẽ đi đâu, về đâu?”, cô Nguyễn Thị An, giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT tại huyện Đông Anh băn khoăn.
“Chắc chắn kiến thức ngoại ngữ và ý thức học ngoại ngữ của học sinh phổ thông sẽ kém đi vì mất “cú hích” là môn thi bắt buộc. Nếu chất lượng môn tiếng Anh giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lao động trong tương lai vì yêu cầu trình độ ngoại ngữ ngày càng cao”, cô giáo Nguyễn Thị Thu, huyện Ứng Hòa nêu ý kiến.
Tại hội nghị công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trả lời câu hỏi về vấn đề này, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương khẳng định: Môn ngoại ngữ trong Chương trình GDPT 2018 luôn được chú trọng. Ngay từ lớp 3, học sinh đã được học ngoại ngữ. Lên bậc THCS và THPT, ngoại ngữ đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, học sinh được học, lựa chọn môn ngoại ngữ mà mình thích và định hướng. Đó chính là nền tảng quan trọng nhất cho các em bổ sung, nâng cao năng lực, phẩm chất về ngoại ngữ. Môn ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT rất quan tâm và lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên. Do vậy, không thể nói chỉ vì một kỳ thi này mà làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học ngoại ngữ.
Sâu sát với nhiều thế hệ học sinh học và thi tốt nghiệp THPT, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà Nguyễn Hữu Khương nêu quan điểm: “Không phải khi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, học sinh mới học ngoại ngữ và ngược lại, nếu không thi, học sinh sẽ lười biếng, mất gốc. Thực tế, không ít học sinh ngoại ngữ chính là tiếng Anh nhưng lại giỏi ngoại ngữ khác. Việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em. Nếu học chỉ để đi thi thì thái độ học của học sinh sẽ mang tính chống đối, không mang tính thực chất, lâu dài”.
“Việc không có môn ngoại ngữ sẽ không ảnh hưởng tới việc khuyến khích học sinh học tích cực ngoại ngữ để hội nhập quốc tế”, là khẳng định của Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cùng nhóm chuyên gia giáo dục.
Ông Ân dẫn chứng: Thực tế những năm gần đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ được chia thành 2 nhóm: Một là những học sinh lo lắng, tập trung học ngoại ngữ để chuẩn bị cho du học hoặc theo nghề có liên quan trực tiếp phải dùng ngoại ngữ. Hai là những học sinh có khó khăn hoặc chỉ mong muốn làm nghề ít liên quan tới sử dụng ngoại ngữ. Học giỏi môn học ngoại ngữ là do chủ quan học sinh và gia đình mà không phải do môn thi tốt nghiệp định hướng và quyết định.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Phương án thi 4 môn đã được Bộ nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến đa chiều, bảo đảm tính đồng thuận cao trong xã hội và luôn đặt quyền lợi người học lên cao nhất.
Trước mắt, việc công bố phương án cùng lộ trình tổ chức kỳ thi trong thời gian tới của Bộ GD&ĐT đã giúp học sinh, giáo viên và phụ huynh yên tâm, đồng thời chủ động kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.
Nguồn: Báo Kinh Tế Đô Thị