Theo Bộ GD&ĐT, có một số điểm mới quan trọng như cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng, chính sách ưu tiên được áp dụng.
Thông tin về những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giaó dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, Bộ GDĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước. Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.
Bộ cũng nâng cấp hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển; thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).
Điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý, năm nay, lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái.
Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cần nộp hồ sơ trước 17h ngày 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 15/8.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh trong công tác tuyển sinh đại học.
Theo đó, lần đầu tiên Bộ áp dụng các tính điểm ưu tiên mới. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần.
Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, có một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm nay Bộ sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 và tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh.
Tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển.
Thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống chỉ theo ngành đào tạo.
Bộ sẽ điều chỉnh để đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển (thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành), giảm tối đa nhầm lẫn.
Cụ thể cách tính điểm ưu tiên năm nay được áp dụng như sau: Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường).
Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
4 nhóm ngành ít thí sinh nhập học nhất
Bộ GD&ĐT cho biết, năm ngoái, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học (đạt 83,39% so với chỉ tiêu, cao hơn số nhập học của các năm 2021, 2020). Trong đó, cao nhất 24,54% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học khối ngành Kinh doanh và Quản lý. Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin – 11,79%, Công nghệ kỹ thuật 9,18% và Nhân văn 8,68%.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm qua 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.
Trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo Người đưa tin