Hiện nay, tình trạng người lao động Việt Nam tại nước ngoài bỏ trốn, không về nước sau khi hết hợp đồng lao động là một thực tế đáng báo động.
Câu hỏi:
Xin luật sư cho biết hành vi người lao động Việt Nam tại nước ngoài bỏ trốn, không về nước khi hết hợp đồng lao động sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Nghị định 95/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có thể bị phạt tiền 80 – 100 triệu đồng nếu vi phạm một trong những hành vi sau:
a. Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú.
b. Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
c. Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
d. Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
Ngoài ra, người lao động còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c; Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b; Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c và điểm d.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự… được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại nước sở tại sẽ có thẩm quyền xử phạt đối với những trường hợp nêu trên.
Trốn ở lại nước ngoài đối với người lao động Việt Nam là việc hết sức nguy hiểm. Theo khuyến cáo của Cục Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), ngoài việc gánh chịu sự truy quét của chính quyền nước sở tại trong việc cư trú và lao động bất hợp pháp thì khi bị trục xuất về nước, cánh cửa đi lao động của người bỏ trốn sẽ vĩnh viễn khép lại.
Luật sư Hoàng Ngọc – Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự