Những ngày cuối năm, bên cạnh dòng thời sự về việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động do hoạt động sản xuất – kinh doanh khó khăn vẫn có thông tin tích cực khi giới chuyên gia cho rằng cơ hội đi xuất khẩu lao động đang rộng mở với người lao động vừa mất việc hoặc có nguy cơ mất việc. So với những năm trước, thủ tục ra nước ngoài làm việc được tinh gọn, chi phí hợp lý, nhiều công việc phù hợp, hình thức đi làm đa dạng. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu lao động cho Việt Nam, hướng đến những thị trường và ngành nghề có thu nhập cao hơn cho người lao động.
Xuất khẩu lao động phục hồi sau dịch Covid-19
Lan Hương, một nữ lao động sinh sống tại Yên Sơn, Tuyên Quang sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã đi học nghề làm móng tay và mở tiệm tại nhà. Tuy nhiên, do thu nhập từ nghề này chỉ khoảng 5-7 triệu mỗi tháng. Muốn có thu nhập cao hơn và nhanh có vốn tích lũy, cô dành thời gian 6 tháng học tiếng Nhật, kỹ năng nghề, giáo dục định hướng để đi xuất khẩu lao động sang Nhật làm việc tại công ty sản xuất suất ăn công nghiệp. Cô cho biết cô chấp nhận đi xuất khẩu lao động xa nhà để mỗi tháng trừ ăn tiêu rồi cô để ra được khoảng hơn 25 triệu.
Cũng đi xuất khẩu lao động nhưng chị Phạm Thị Ngát ở thôn Sầy, xã Tuấn Đạo, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS và mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 25 triệu đồng gửi về cho gia đình.
Tại buổi tiếp đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung Ương đến làm việc mới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết từ năm 2013 đến nay tỉnh này có hơn 34 ngàn người lao động đi làm việc ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thu nhập bình quân đạt khoảng 22,5 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 11, cả nước có hơn 122 ngàn lao động đi làm việc nước ngoài, đạt hơn 135% kế hoạch của cả năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Bá Hoan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động đã phát triển mạnh cả chất và lượng.
Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng. Nhiều thị trường mới đã được mở ra như Úc, New Zealand, Đức, Czech, Slovakia, Romania… Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt con số 100 ngàn người mỗi năm. Giai đoạn 2013 – 2021 đã đưa được gần một triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Song ông Hoan cũng phân tích, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036 với gần 15,5 triệu người cao tuổi (chiếm hơn 14% tổng dân số). Vì vậy, ông Hoan cho rằng trong giai đoạn tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp. Cần chú trọng vào chất lượng lao động.
Cùng chung quan điểm trên, cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cần tăng tỉ lệ lao động chất lượng cao, có kỹ năng tốt, trình độ đại học, cao đẳng… Cùng với đó, chi phí đi làm việc cần tìm mọi cách giảm xuống.
Các ý kiến trên được đưa ra bởi hiện 90% người đi làm việc ngoài nước chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỉ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Theo các chuyên gia xuất khẩu lao động cần từng bước đảo ngược tỉ lệ này để nâng cao giá trị xuất khẩu lao động Việt. Cần xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn, có trình độ, có kỹ năng để có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn…
Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng, Chính phủ cần đàm phán mở rộng hợp tác với các nước về các ngành nghề chuyên môn để tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao. Việc tìm kiếm các thị trường mới, chất lượng cao cần được cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dịch vụ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Hướng đến thị trường chất lượng cao
Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết gần đây cơ quan này đã triển khai các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước như: đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Israel; xây dựng thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; hoàn thiện bản ghi nhớ về di cư lao động có kỹ năng và trao đổi kiến thức với Cộng hòa liên bang Đức; trao đổi bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm giữa Chính phủ Việt Nam và Malaysia. Tiếp đến là bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Úc.
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, việc các nước thiếu lao động cũng đang nỗ lực tìm cách để thu hút thêm người lao động Việt Nam đến làm việc. Ví dụ như tại Nhật Bản – thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong những năm qua – chính phủ nước này đang xem xét để miễn thuế, tăng phụ cấp cho thực tập sinh, người lao động Việt Nam.
Đồng thời, Nhật Bản cũng lên phương án tổ chức các kỳ thi lao động kỹ năng trong năm 2023 để tạo điều kiện cho thực tập sinh đã về nước quay lại làm việc. Nước này cũng hình thành cổng thông tin việc làm Nhật Bản để người lao động Việt Nam chủ động và thuận tiện trực tiếp tìm kiếm cơ hội việc làm tại đất nước mặt trời mọc. Ký kết bản ghi nhớ về chương trình phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản.
Về chính sách mới của các nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, có thể kể đến việc Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển dụng thuộc chương trình EPS lên 59.000 lao động. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang mở thêm những cánh cửa việc làm đối với lao động có kỹ năng của Việt Nam. Như chương trình hợp tác lao động kỹ thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu cũng mở ra nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.
Ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, các chuyên gia cho rằng thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng có thể sẽ phát triển mạnh trong năm 2023 khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
Thông tin từ Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết nhiều nước châu Âu đang tăng cường mời gọi lao động Việt Nam bằng nhiều hình thức. Như cuối tháng 11 vừa qua, chính phủ Đức đã có những cải cách việc nhập cư lao động có tay nghề – việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài tại Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam với các ngành như: điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng – khách sạn, cơ khí ôtô, chế biến thực phẩm…
Mới đây, Phần Lan tập trung thu hút lao động đến từ Việt Nam cho những vị trí công việc nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe.
Các chuyên gia nhận định, 2023 số lượng người lao động Việt Nam sang châu Âu làm việc sẽ nhiều hơn. Bởi ngoài Đức, và Phần Lan, các nước Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria, Hungary, Ý… cũng đang tìm mọi cách để thu hút và tuyển dụng lao động Việt Nam. Nhiều nước ưu tiên tuyển lao động Việt Nam bởi đã được nhiều thị trường chấp nhận.
Các thị trường khác ngoài châu Âu cũng sẽ là tâm điểm chú ý của người lao động Việt Nam có tay nghề trong năm 2023 đó là Úc, New Zealand và Canada. Ba nước này đang chạy đua trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực nhằm phục hồi kinh tế sau đại Covid-19. Năm ngoái, chính phủ Úc đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam là một trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này. Sau 1 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kể từ năm 2023, người lao động Việt Nam có thể đến Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bộ Di trú Canada cũng vừa công bố kế hoạch nhập cư giai đoạn 2023 – 2025. Trước mắt, Canada đặt mục tiêu chào đón 465 ngàn lao động nhập cư vào năm sau, con số này sẽ tăng lên 485 ngàn người vào năm 2024 và 500 ngàn người vào năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu lao động và ứng phó xu hướng già hóa dân số, thu hút người nhập cư đến các vùng nông thôn ở Canada.